Sáng ngày 3/11/2023, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QTC) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức “Hội nghị Tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Công Võ – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc nói về tầm quan trọng của đo lường và đảm bảo đo lường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Để nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hoạt động đo lường và đảm bảo đo lường cần được đẩy mạnh về nhận thức và thực hiện một cách hiệu quả. Đo lường không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ được cung cấp, mà còn có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Công Võ – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị.
Chính vì vậy, Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây là văn bản và khung pháp lý để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Để đạt được các mục tiêu của Đề án 996, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp và tổ chức nghiên cứu, đào tạo, tập huấn các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về đảm bảo đo lường.
Cũng theo ông Võ, Vĩnh Phúc là một trong năm địa phương được lựa chọn để triển khai chương trình đảm bảo đo lường đầu tiên trong chuỗi các hoạt động tập huấn tại các tỉnh/ thành phố có chương trình hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ bao gồm: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Thanh Tùng – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QTC) chia sẻ, hội nghị tập huấn xây dựng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp và hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động đảm bảo đo lường, tiếp theo là khảo sát đánh giá thực trạng tại doanh nghiệp, đề xuất chương trình kế hoạch đảm bảo đo lường và các hoạt động triển khai cụ thể cho từng doanh nghiệp.
Ông Tùng cũng mong muốn Vĩnh Phúc sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về hoạt động đo lường và đảm bảo đo lường trong doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Trong khuôn khổ hội nghị, chuyên gia Trần Khắc Điền, nguyên Phó viện trưởng Viện đo lường Việt Nam (VMI) đã có bài giới thiệu chi tiết về Đề án “Tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính Phủ và Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17 tháng 03 năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”; Các bước chuẩn bị, phân tích và đánh giá thực trạng đảm bảo đo lường, phương pháp xây dựng các mục tiêu của Chương trình đảm bảo đo lường; dự kiến hiệu quả xây dựng và áp dụng Chương trình đảm bảo đo lường; Giới thiệu phương thức đăng ký tham gia thí điểm xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại từng địa phương.
Hội nghị Tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp là một nội dung quan trọng thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm về đảm bảo đo lường nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”
Trần Huy Nam – Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ TCĐLCL