Chia sẻ trải nghiệm của mình về các cuộc thi QC KENTEI khi sống và làm việc tại Nhật Bản, Bùi Xuân Linh tin rằng không chỉ các bạn làm trong ngành sản xuất mà các ngành khác cũng nên học và thi QC KENTEI. Dưới đây là bài viết chia sẻ của Bùi Xuân Linh, admin của blogsanxuat.com.
1. Làm sao để đăng ký dự thi?
Cuộc thi QC KENTEI ở Nhật thường được tổ chức với hình thức gần với cuộc thi vào đại học ở Việt Nam. Lịch thi sẽ được thông báo trước một năm trên web của Trung tâm QC KENTEI. Việc đăng ký khá đơn giản khi mọi thủ tục đều được thực hiện online. Mình đã lập tài khoản đăng kí dự thi và thanh toán phí dự thi bằng thẻ tín dụng trên web trước 3 tháng. Khoảng 2 tuần trước ngày thi, Trung tâm sẽ gửi cho mình một phiếu dự thi với đầy đủ thông tin cá nhân, số báo danh, địa điểm thi và lưu ý trong ngày thi.
2. Tôi đã ôn thi như thế nào?
Đã đăng ký dự thi rồi thì phải ôn thi thôi nếu bạn không muốn lãng phí khoản phí dự thi. Đây cũng là điểm hay khi đăng ký thi chứng chỉ. Việc phải trả phí sẽ tạo cho chúng ta áp lực phải ôn thi.
Bí quyết ôn thi của mình cũng đơn giản thôi: mua sách học lý thuyết và luyện đề. Tuy hình thức thi là trắc nghiệm nhưng nếu không hiểu lý thuyết rất khó để chúng ta có thể chọn đúng đáp án. Do đó, việc đọc một lượt lý thuyết là rất quan trọng. Mình thường thong thả đọc lý thuyết trước khi thi tầm 3 tháng. Tuỳ vào khối lượng kiến thức cần học đối với từng cấp bậc mà có thể bắt đầu sớm hơn nhưng nói gì thì nói học càng sớm càng tốt. Như thế chúng ta sẽ có thời gian hiểu thông qua việc vận dụng trong công việc. Bởi vì mục đích cuối cùng không phải là cái chứng chỉ này mà kiến thức sẽ đọng lại bao nhiêu và chúng ta ứng dụng chúng như thế nào vào công việc. Với những chỗ khó hiểu, mình thường tìm hiểu trên mạng hoặc hỏi nhân viên đàn anh trong công ty sẽ nhận được lời giải đáp.
Khi đến trước ngày thi khoảng hơn 1 tháng, mình sẽ chuyển sang ôn đề. Đọc lý thuyết sẽ có chỗ nhớ chỗ quên nên việc ôn đề sẽ giúp chúng ta xác nhận được phần nào mình đang yếu. Cũng có hai loại, đề đã thi các năm trước và đề do các chuyên gia độc lập tự xây dựng. Mình thường làm cả hai. Theo kinh nghiệm của mình, với hình thức thi trắc nghiệm thì “cày” đề càng nhiều khả năng đậu càng cao.
3. Kinh nghiệm đi thi thực tế ra sao?
Ngày thi thường được tổ chức vào cuối tuần (thường là chủ nhật) nên rất thuận lợi cho cả sinh viên và người đi làm tham gia. Hội trường thi chủ yếu là giảng đường của các trường đại học tại một thành phố trung tâm nào đó. Do đó, việc di chuyển đến hội trường thi bằng phương tiện công cộng là khá thuận tiện. Đối tượng tham gia cuộc thi này cũng khá đa dạng. Lần đầu dự thi cấp 3, mình ngồi cạnh ngay một bác khoảng trên 50 tuổi. Hỏi vui xem tại sao bây giờ bác mới dự thi thì bác trả lời rằng: “Dạo này bác mới đổi bộ phận nên dự thi để bổ trợ kiến thức cho công việc”. Ngoài ra, cũng còn nhiều cô chú trung niên hay các bạn du học sinh các nước cũng dự thi chứng chỉ này. Thực ra điều này cũng dễ hiểu với một đất nước có nhiều công ty sản xuất như Nhật Bản phải không các bạn.
Vào trong phòng thi, số báo danh của mỗi người sẽ được dán sẵn trên bảng để thí sinh dễ tìm chỗ ngồi. Đương nhiên, tại chỗ của mình cũng đã có sẵn số báo danh. Một bàn thường ngồi hai người. Trước thời gian thi khoảng 5 phút, giám thị sẽ đọc nội quy, đồng thời yêu cầu mọi người dọn dẹp đồ cá nhân vào cặp, trên bàn chỉ đặt bút và đồng hồ. Khá giống với kì thi đại học phải không các bạn, lâu rồi mình mới lại được trải nghiệm lại cảm giác này.
Đề thi được trình bày dưới dạng quyển cỡ A4, cũng được phát trong lúc đọc nội quy. Giám thị sẽ yêu cầu chúng ta úp đề thi cho tới khi bắt đầu. Đề thi được in theo khổ lớn và có khá nhiều khoảng trống để chúng ta nháp, do đó mình không chuẩn bị giấy nháp mà viết trực tiếp vào đề. Trong cuộc thi QC KENTEI, với những cấp thấp từ cấp 4 ~ cấp 2 thì hình thức thi hoàn toàn là câu hỏi trắc nghiệm. Chỉ duy nhất cấp 1 (cấp cao nhất), ngoài câu hỏi trắc nghiệm, có bổ sung thêm phần tự luận. Chính vì thế mà, với các cấp thấp chúng ta sẽ đọc câu hỏi, tìm câu trả lời và tô mầu vào tờ đáp án riêng được phát cùng đề thi. Mình thì thường khoanh tròn thêm vào đề để sau khi có đáp án chính thức sẽ tự kiểm tra được mình đã chọn những đáp án nào, sai bao nhiêu câu. Đáp án sẽ được công bố trên web của Trung tâm QC KENTEI trong vòng 1 tuần kể từ ngày thi. Với cấp 3, đề thi sẽ bao gồm 17 câu lớn và khoảng 100 câu nhỏ (thay đổi một chút theo từng năm) và chúng ta có 90 phút để làm bài. Như vậy, nếu chia đều ra thì chúng ta chỉ được trả lời một câu hỏi trong vòng 54s. Cấp 4 và cấp 2 cũng được làm bài trong 90 phút. Nội dung câu hỏi thì bao gồm 2 phần chính, lý thuyết và tính toán, trải khắp nội dung lý thuyết. Ở cấp 4 thì câu hỏi chủ yếu tập trung vào phần lý thuyết, câu tính toán ít, thậm chí không có. Từ cấp 3 trở lên, số lượng câu tính toán sẽ nhiều hơn và chúng ta sẽ cần dùng tới máy tính. Bạn có thể bắt đầu từ những câu hỏi mình cảm thấy tự tin và nhớ để ý thời gian khi làm bài nhé.
Sau khi làm bài xong, giám thị sẽ thu tờ đáp án, kiểm tra đầy đủ thì mới cho phép thí sinh ra khỏi phòng thi. Và chúng ta được phép mang đề thi về nhé các bạn. Với thường lượng thi khoảng 90 phút, cuộc thi sẽ gói gọn trong một buổi.
4. Sau bao lâu sẽ có kết quả thi?
Sau buổi thi chính thức, chúng ta sẽ về đợi Trung tâm QC KENTEI công bố đáp án chính thức (trong vòng 1 tuần), công bố danh sánh đậu (trong vòng 2 tháng) và gửi giấy chứng nhận cho thí sinh vượt qua kì thi (trong vòng 3 tháng). Nếu không may trượt, chúng ta có thể thi lại trong lần kế tiếp sau 6 tháng (ở Nhật, kì thi này được tổ chức 2 lần/năm). Bạn thích thi bao nhiêu lần cũng được cho đến khi đậu và trên chứng chỉ cũng không ghi điểm thi nên bạn cũng không cần băn khăn về việc “đậu cao” hay “đậu thấp”. Tuy nhiên, mỗi lần thi lại sẽ mất phí nên hãy cố gắng thi đậu ngay lần đầu để không bị “cháy túi” nhé.
5. Kết luận
Như vậy, mình đã giới thiệu với các bạn về cuộc thi QC KENTEI được tổ chức ở Nhật Bản. Với mình, đây thực sự là một chứng chỉ hữu ích cho công việc cũng như sự phát triển của bản thân. Mình tin rằng không chỉ các bạn làm trong ngành sản xuất mà các ngành khác cũng nên học và thi QC KENTEI.
Hi vọng bài viết sẽ có những thông tin tham khảo hữu ích để các bạn khỏi bỡ ngỡ khi dự thi chứng chỉ này tại Việt Nam trong thời gian tới.
QC KENTEI – KHẢO THÍ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG & KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG
» Thông báo tổ chức kỳ thi QC KENTEI dành cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam
→Thông báo bản Tiếng Việt
→Thông báo bản Tiếng Anh
» Đăng ký tham dự kỳ thi QC KENTEI cấp độ 4
» Tài liệu ôn thi QC KENTEI Cấp độ 4